Hỏi 5:

 Thưa cụ,

Đọc lá thư rất dài của cụ, chúng tôi thấy trong bệnh sử của cụ có những điểm chính như sau:

1-Cụ nói là chỉ bước đi được khoảng 50 bước là phải nghỉ, vì đau nhức ở dưới gối và bàn chân bên phải. Sau khi nghỉ ít phút thì cơn đau hết đi và cụ lại có thể đi bộ tiếp, với cùng một diễn tiến: đi một lúc rồi nghỉ.

2-Bắp chân dưới bên phải nhỏ hơn bên trái 1 cm

3-Siêu âm doppler mầu có xơ mỡ động mạch chi, có atherom đùi trái

Thử nghiệm máu có kết quả tốt. Chất béo bình thường, đường không cao.

Và các tên thuốc mà cụ đang dùng.

Với các dấu hiệu đó, chúng tôi cho là cụ bị chứng Khập Khiễng Cách Hồi mà tiếng Anh gọi là Clauditation Intermittent.

Đây là bệnh trong đó bệnh nhân cảm thấy đau nhức, co rút cơ thịt khi vận động và giảm đau khi nghỉ ngơi.

Đặng Nguyên Liệu


Đáp:

Nguyên Nhân

Nguyên nhân là do sự  cung cấp máu cho các cơ  bắp đó không đầy đủ vì mảng vữa xơ, cục máu hoặc vật nghẽn mạch. Bệnh có thể kinh niên hoặc cấp tính.

Các nguy cơ gây bệnh có thể là: cao huyết áp, cao cholesterol LDL, thấp cholesterrol HDL, bệnh tiểu đường, hút thuốc lá, mập phì,  hoặc thân nhân có bệnh vữa xơ mạch máu.

Bệnh thường xẩy ra ở nam giới nhiều hơn là nữ giới và thường thấy ở cơ bắp chân và cẳng chân.

Dấu hiệu

Cơn đau  cấp tính thường đột ngột xẩy ra và rất đau, phần dưới của chi lạnh, tê dại và tái nhợt. Mạch tim ở  nơi đây không nhận thấy.

Khi bệnh chuyển sang mãn tính, kinh niên thì có các dấu hiệu của khập khiễng cách hồi: đau nhức khi bước đi, nhất là khi cố gắng bước đi trên con đường dốc.

Cơn đau giảm hẳn sau vài phút nghỉ ngơi. Đó là khi máu trở lại nuôi dưỡng cơ bắp.

Khả năng đi xa  mà không đau của bệnh nhân  rút ngắn lần lần  Khi sự thiếu máu kéo dài thời gian, bàn chân trở nên cứng lạnh, tê dại, da khô, đôi khi lở loét nhất  là sau khi bị một chấn thương. Bắp thịt teo, như trong trường hợp của cụ. Nhiều người còn rơi vào tình trạng liệt dương, hay đúng hơn là bị loạn cương dương.

Chẩn Đoán

 Bệnh được chẩn đoán bằng phương pháp  siêu âm, ( như cụ đã được làm),rất chính xác và phổ thông . Phương pháp  khác là chụp  X quang mạch máu, sau khi chích chất cản quang vào động mạch, để ước định mức độ nghẽn tắc của mạch máu đó.

Trường hợp của cụ, chúng tối không biết là cụ có các nguy cơ gây bệnh như chúng tôi vừa kể, như là huyết áp cụ có cao không,  có hút thuốc lá không. Nếu biết được các diều này thì phần góp ý của chúng tôi sẽ hoàn hảo hơn. . 

Đường và cholestrtol trong máu cụ bình thường. chúng tôi thắc mắc là đường và chất béo trong máu của cụ có bao giờ cao không? Vì siêu âm cho thấy có mảng vữa xơ ở mạch máu.

Điều trị

Hiện nay cụ đang dùng các thuốc như cụ kể và tôi đoán là cụ vẫn còn đau, nên mới vấn kế.

Chúng tôi đề nghị với cụ:

1- Hỏi lại bác sĩ coi có tìm ra được các nguy cơ gây ra bệnh như đã kể ở trên không.

2- Xin bác sĩ thay đổi thuốc, nếu xác định được nguy cơ gây bệnh

3- Nếu hút thuốc lá thì nên ngưng ngay

4- Hỏi bác sĩ xem có thể dùng thuốc giãn mạch coi xem sao.

5- Tập đi bộ: Đi cho tới khi cảm thấy hơi đau, rồi nghỉ, rồi lại tiếp tục đi tất cả từ 40 phút tới một giờ mỗi ngày. Mục đích là làm tăng sự tạo ra các mạch máu phụ chung quanh chỗ bị tắc. Tất nhiên cụ phải tham khảo ý kiến bác sĩ gia đình trước khi thực hiện cách này, coi xem bệnh tình của cụ có thích hợp với sự tập luyện đó không.

6- Cụ cũng cần để ý tới sự săn sóc bàn chân:

- Coi xem bàn chân có vết lở loét, nứt nẻ, hoặc chai sẹo.

- Rửa chân sạch mỗi ngày  với nước ấm, xà bông nhẹ, rồi lau khô. Có thể rắc bột phấn rôm để tránh bàn chân bị ẩm.

- Thay tất mỗi ngày. Tránh mang tất quá chặt với vòng cao su ở phía trên. 

- Mang dầy mềm, rộng vừa bàn chân, tránh cọ xát, gây trầy da.

- Móng chân dài cần được cắt ngang bằng, không  quá gần sát da.

Cũng đề nghị cụ thảo luận với bác sĩ chuyên khoa coi xem có thể dùng phương pháp đưa mạng lưới kim loại mà tiếng Anh gọi là stents vào  làm thông chỗ mạch máu bị nghẽn. Phương pháp này hiện nay đang được áp dụng khá phổ thông ở các quốc gia tây phương.

Kính chúc cụ mau lành bệnh để an hưởng tuổi vàng với con, cháu, chắt.


GHI CÂU HỎI