Hỏi 12:

Chào Bác sĩ,

Tôi mới ở Việt nam về. thấy bên đó bà con mình rất lo ngại về bệnh gọi là Viêm Não Nhật Bản tấn công trẻ em và nhiều cháu chết vì bệnh này. Xin bác sĩ cho biết đây là bệnh gì, có nguy hiểm không và có chữa và phòng ngừa được không.

Cảm ơn bác sĩ

Lê Thị Nhân

Đáp:

Chào bà,

Ở Việt Nam mình hồi này cũng có nhiều “vấn đề” khó khăn cho sức khỏe. Hết thực phẩm tẩm hóa chất từ Trung quốc lại đến các dịch bệnh mùa Hè liên tục xảy ra, như là Lở mồm long móng, sốt xuất huyết…và bây giờ tới dịch Viêm não Nhật Bản. Số tử vong về bệnh viêm não này khá cao, nhất là trong những ngày nóng nực vừa qua.

Viêm não Nhật bản, Japanese Encephalitis, còn gọi là viêm não mùa hè, viêm não B, không chỉ riêng có ở Nhật Bản mà còn xuất hiện tại nhiều quốc gia khác tại Châu Á như, Trung Hoa, Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan, Malaysia…đặc biệt là vào mùa nóng nực hàng năm.

Bệnh do một loại muỗi hút máu động vật chứa virus như heo và chim rồi truyền sang người. Muỗi thường hoạt động đẻ trứng ở các rạch, mương hoặc sống tại các chuồng trâu bò heo…hoạt động suốt ngày nhưng mạnh nhất là từ 6 chiều tới 10 giờ tối. Bệnh không truyền từ người sang người và thường gặp ở lớp tuổi dưới 15. Bệnh ít thấy ở người du lịch ngắn hạn tới các quốc gia bị dịch nhưng thường thấy nhiều hơn nếu cư dân hoặc khách viếng thăm ở các vùng dịch một thời gian lâu.

Về bệnh lý, đa số bệnh nhân không có triệu chứng dấu hiệu trong khi đó một số khác bị sốt, nhức đầu thậm chí bị viêm não với cổ cứng nhắc, lên cơn co dựt toàn thân, thay đổi tri thức, hôn mê…Cứ 1 trong 4 bệnh nhân thiệt mạng vì bị viêm não, số sống sót thì quá nửa bị tổn thương não bộ vĩnh viễn. Phụ nữ mang thai mà bị bệnh có thể gây bệnh cho thai nhi.

Điều trị có tính cách hỗ trợ tùy theo sức khỏe của bệnh nhân chứ không có thuốc đặc trị, vì đây là bệnh do virus, kháng sinh không có công dụng gì.

Phòng ngừa bệnh:

Cần áp dụng một số bảo vệ cá nhân đối với muỗi như:

            - Sống trong môi trường có lưới xung quanh để tránh bị muỗi đốt;

            - Mặc quần áo phủ kín cơ thể;

            - Thoa các chất đuổi muỗi có chất hóa học DEED;

            - Nằm mùng nếu không có lưới bảo vệ;

            - Tránh ra ngoài trời khi trời tối, nhất là trong thời gian từ 6 chiều tới 10 giờ tối, thời gian muỗi hoạt động kiếm mồi nhiều nhất.

Chích ngừa:

 Cần được chích ngừa với vaccine chống Viêm não Nhật Bản

- Đối với những ai dự tình du lịch tới vùng đang có dịch bệnh trong thời gian 1 tháng;

- Những ai tới các vùng dịch bệnh dưới một tháng nhưng dự trù có các sinh hoạt ngoài trời hoặc định tới các vùng nông thôn, nhiều muỗi;

Người trên 17 tuổi cần chích ngừa, Dưới 17 tuổi nên hỏi ý kiến bác sĩ gia đình.

Vaccin được chích làm 2 lần, lần thứ nhì cách ngày khởi hành ít nhất 1 tuần lễ.

Tại Việt Nam, Bộ Y Tế ra hướng dẫn chích ngừa như sau:

Chích ngừa với 3 liều cơ bản:

Mũi đầu tiên lúc trẻ được 1 tuổi,

 mũi 2 tiêm sau mũi 1 từ 1-2 tuần,

mũi 3 tiêm sau mũi 2 một năm.

Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Bà con mình từ Hoa Kỳ có về Việt Nam, nên hỏi hãng du lịch coi xem mình có cần chích ngừa bệnh viêm não Nhật Bản hay không.

Và xin nhớ áp dụng các phương thức phòng ngừa cá nhân như đã nói ở trên.

Chúc quý vị đồng hương được mọi sự bình an trong thời gian du lịch.


GHI CÂU HỎI